Thập giá : Chúa Giêsu có phải chết không ?
Thập giá của Chúa GiêsuChúng ta cùng nhau nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, sống mầu nhiệm đó. Chúng ta ca ngợi tình yêu chống lại bạo lực, tình yêu chịu đựng bạo lực, tình yêu tiến bước với thập giá trên vai. Chúng ta tỏ lòng biết ơn tình yêu đó và gắn kết với tất cả những người mà tình yêu can đảm của họ đã khiến họ trở thành nạn nhân của bạo lực.
Thập giá của Chúa Giêsu chưa phải đã xong, những đau khổ mà Người trải qua vẫn chưa chấm dứt. Thập giá đứng giữa cuộc sống - không phải như một vật trang trí mang tính nghi lễ, mà như một lời nhắc nhở rằng đây là cái giá phải trả cho các giá trị của Tin Mừng.
Chúa Giêsu có thể tránh được thập giá không ? Liệu Ngài có thể đi quanh Đồi Sọ rồi tiếp tục sống không ? Chẳng lẽ Ngài không thể trốn tránh vụ việc và ổn định cuộc sống yên tĩnh ở Galilê ? Tình yêu tha thứ của Người có cần phải có thập giá không?
Sự cam kết của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu không đi tìm thập giá nhưng chính thế gian đã coi thập giá là cách để loại bỏ Ngài. Thập giá không phải là ý tưởng của Chúa Cha; đó là giải pháp cuối cùng thế gian nghĩ ra để chống lại đường lối của Chúa Giêsu. Thiên Chúa Cha không phải là một kẻ tàn bạo đã lên kế hoạch giết Con yêu dấu của mình. Khi buông Con mình ra, Chúa Cha bị tổn thương trước những gì sẽ xảy ra với Con mình do bàn tay của người khác. Tất cả các bậc cha mẹ đều phải chấp nhận rủi ro đó. Chúa Cha cũng chấp nhận như vậy.
Tình yêu không đòi thập giá, nhưng trong cuộc đời của Chúa Giêsu, tình yêu kết thúc trên thập giá. Đó là những gì thực sự đã xảy ra. Đó là điều vẫn tiếp tục xảy ra với tình yêu quên mình. Tình yêu không trốn tránh đau khổ phát sinh từ sự cam kết yêu thương của mình. Trốn tránh đau khổ không phải là ham muốn chi phối tình yêu, không thể như thế.
Chúa Giêsu có thể tránh việc đi lên Giêrusalem; lẽ ra Ngài có thể nghe theo lời khuyên của các môn đệ cảnh báo về số phận chắc chắn sẽ xảy đến với Ngài ở đó. Nhưng thay vì tránh né Giêrusalem, Chúa Giêsu tiến vào đó một cách công khai và ồn ào. Ngài không cải trang, im lặng lẻn vào qua cổng thành. Ngài đi đầu một cuộc diễu hành.
Ngài quyết định đối đầu với sức mạnh đang chống lại mình. Và khi chọn làm như thế, giống như tất cả những người phải đối mặt với áp bức, Ngài đã khiến mối nguy hiện hình. Như Theodor Adorno đã viết :
Nó là một phần của cơ chế thống trị nhằm ngăn cấm việc thừa nhận những đau khổ mà nó tạo ra.
Nhưng đó không phải là lý do Ngài đến. Ngài không vào thành như một tượng đài di động bằng đá, Ngài là tình yêu của Chúa trong xương thịt con người mỏng manh. Ngài là niềm ước mong của Chúa, tình yêu tràn ngập của Chúa, cuộc phiêu lưu mạo hiểm của Chúa.
Tưởng nhớ cuộc thương khó
Hôm nay chúng ta nhớ lại việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem và chúng ta lại nghe câu chuyện về cuộc khổ nạn. Nhưng tại sao chúng ta phải nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu? Tại sao lại lưu giữ ký ức về nỗi thống khổ và đau đớn như vậy? Chẳng phải chúng ta nên quên đi những đau đớn và tổn thương trong quá khứ và để chúng biến mất nếu có thể sao ?
Là Kitô hữu, chúng ta dấn thân trở thành một dân nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Khi một cộng đồng chọn cách ghi nhớ đau khổ, ký ức của họ trở thành một sự phản đối. Việc tưởng nhớ nỗi đau đòi hỏi một tương lai hơn là lặp lại quá khứ. Đó là lý do tại sao ký ức về đau khổ thì nguy hiểm : khi nhớ lại nỗi đau khổ của nạn nhân, người ta phản đối rằng điều này không nên lặp lại nữa. Không nên có nạn nhân vô tội.
Ký ức đó cũng giúp chúng ta nhận thức được những thập giá đang ở giữa chúng ta. Ký ức về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu dạy chúng ta chú ý đến nỗi đau khổ của người khác. Thập giá đòi hỏi sự chú ý phải được chú ý. Vì thế hôm nay chúng ta chú ý đến nỗi đau khổ của Chúa Giêsu và nỗi đau khổ của tất cả những ai là nạn nhân của hận thù và bạo lực.