Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

Chúa Nhật 2 B Mùa Phục Sinh - Denis McBride CSsR



Quan tâm đến niềm tin

Tin tưởng và thuộc về
Mỗi tuần chúng ta họp nhau cử hành tưởng nhớ Chúa Giêsu, chúng ta giúp nhau bằng chính sự hiện diện của chúng ta trong Thánh Lễ. Việc đến dự là một hành vi đức tin. Đức tin của chúng ta mang lại cho chúng ta cảm giác mình thuộc về một cộng đoàn rộng lớn. Khi chúng ta tin, chúng ta thuộc về, chúng ta cùng nhau tin tưởng. Với tư cách là Kitô hữu, đối tượng chính của đức tin chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, và mặc dù chúng ta rất đông nhưng chúng ta vẫn chia sẻ một niềm tin vào Ngài. Nhưng cộng đoàn đức tin không bao giờ có thể thay thế được lòng tin cá nhân. Như W.H. Auden nhận xét:
Mối quan hệ đức tin giữa chủ thể và đối tượng là duy nhất trong mọi trường hợp. Hàng trăm người có thể tin, nhưng mỗi người phải tự mình tin.
Không ai có thể thay chúng ta tin. Một số người sẵn sàng tin vào bất cứ điều gì, bởi vì niềm tin của họ chẳng khiến họ mất mát gì. Bạn có thể thêm vài vị thần vào tín ngưỡng của họ và họ sẽ mỉm cười gật đầu đồng ý - không phải vì họ có đức tin mà vì họ đã quen tự bảo vệ mình, có tin có lành, rắc rối chi cho mệt. Họ gật đầu đồng ý là xong, không đi cùng niềm tin khám phá thêm gì nữa. Đây không phải là sự ngây thơ hay đơn giản; nhưng là sự ngụy trang được áp dụng bởi những người không quan tâm đến những gì họ tin. Miễn là họ được xếp vào cộng đoàn những người có đức tin thì họ hài lòng.
Tông đồ bất mãn
Trong bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ tụ tập trong một căn phòng khóa kín. Bạo lực gần đây khiến họ lo về an ninh. Họ trở thành những kẻ chạy trốn một xã hội thù địch, vì vậy họ nhốt mình trong nơi mà họ hy vọng là nhà an toàn. Những điệp viên có “an toàn khu” của Chúa. Tuy nhiên, với tất cả sự phòng thủ của mình, họ không thể tránh khỏi tình yêu mãnh liệt của Chúa Giêsu phục sinh. Ngài xuất hiện giữa họ; lời chào của Ngài là bình an; phản ứng của họ là vui mừng. Đối với thánh sử Gioan, Chúa Nhật Phục Sinh là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và hồng ân Chúa Thánh Thần là hơi thở của Chúa Kitô phục sinh.
Các môn đệ hít vào và Thánh Thần trở thành một phần của họ. Nhưng một trong số họ vắng mặt - Tôma. Khi về nghe chuyện hiện ra, Tôma không tin những gì mình nghe.
Thánh Tôma là thành viên của nhóm Mười Hai, nhưng rõ ràng ông cũng là một cá nhân độc lập. Ông không thể vừa trung thành với nhóm vừa đi ngược với lòng dạ của mình. Giả vờ tin để hùa theo cộng đoàn sẽ khiến lòng trung thành của ông với cộng đoàn trở nên vô giá trị. Đối với Tôma, trung thực quan trọng hơn trung thành. Vì vậy, Tôma từ chối trở thành một phần của nhóm tông đồ tin Chúa sống lại, không có chỗ cho ông khi tự ông không tin. Tôma có thể muốn tin, khao khát chấp nhận những gì người khác nói là đúng, nhưng muốn không thể phấn đấu lên thành tin.
Nghi ngờ không thể chuyển thành tin bằng sự sẵn lòng. Suy cho cùng thì các môn đệ khác cũng chỉ tin Chúa Giêsu phục sinh khi họ nhìn thấy Ngài ; do đó, có vẻ như không hợp lý khi chỉ trích Tôma không tin vì không thấy. Tôma nghi ngờ vì ông nhất định sống trung thực. Sẽ là đóng kịch và giả vờ nếu Tôma nói tin. Như vậy sẽ tạo ra một tôn giáo sống nhập vai, diễn điều mình mong muốn chứ không phải chính mình tin. Đối với Tôma, điều quan trọng là tin vào điều gì, hơn là thuộc về cộng đồng các kẻ tin.
Đến với niềm tin
Chúng ta biết được từ Tin Mừng rằng Tôma rồi sẽ tin vào Chúa Giêsu phục sinh giống như các môn đệ khác khi ông đích thân nhìn thấy Chúa. Tuy nhiên, chúng ta có thể đánh giá cao rằng vị thế của Tôma còn lớn hơn tông đồ Tôma : ông đại diện cho tất cả những ai chưa nhìn thấy Chúa nhưng được yêu cầu tin vào Người. Câu chuyện về Tôma dẫn đến mối phúc dành cho các thế hệ không được nhìn thấy Chúa Phục sinh : “Phúc cho những ai chưa thấy mà tin”.
Không phải là chúng ta được yêu cầu làm điều mà tông đồ Tôma không thể làm : tin vào Chúa Phục Sinh chỉ dựa trên lời chứng của người khác. Tôma không có ơn Chúa Thánh Thần, và không ai có thể tin Chúa Giê-su nếu không có Thánh Thần của Thiên Chúa. Như chúng ta nghe trong bài thư thứ nhất của Thánh Gioan hôm nay : chứng tá chính về Chúa Giêsu phục sinh là Chúa Thánh Thần – “vì Chúa Thánh Thần là sự thật”. Chúng ta chỉ có thể cầu xin “Lạy Chúa tôi và Thiên Chúa của tôi” vì chúng ta đã để cho Thánh Thần Chúa cầu nguyện trong chúng ta. Trong ân sủng Thánh Thần, chúng ta có thể tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa.
Nếu đức tin là một trong những hồng ân chính yếu của Chúa Thánh Thần, thì nó cũng là sự sống cần được nuôi dưỡng, giúp đỡ, yêu thương để lớn lên cho đến khi trưởng thành. Nó không phải là một viên đá quý được khóa trong rương - an toàn mà như trong mồ chết. Niềm tin là một cuộc sống, và giống như bất kỳ cuộc sống nào, nó có thể tàn lụi nếu bị lãng quên hoặc bỏ qua. Niềm tin có thể chết vì sự thờ ơ. Chúng ta cần cầu nguyện cho đức tin của mình, suy nghĩ về đức tin của mình, sống đời sống đức tin của mình. Đức tin đòi hành động. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ nghi ngờ; nhưng nếu giống như Tôma, chúng ta quan tâm đến những gì chúng ta tin, thì sự quan tâm đúng lúc đó sẽ đưa chúng ta đến đứng trước Thiên Chúa hằng sống.
Chúa Nhật 2 B Mùa Phục Sinh - Denis McBride CSsR
Top