Hiểu những gì đang xảy ra
Trải nghiệm và ý nghĩaBà mẹ nhìn qua cửa sổ nhà bếp thấy hai đứa con trai đang đánh nhau, tình hình có vẻ nghiêm trọng. Khi thấy mẹ lao ra khỏi nhà hướng về phía mình, chúng buông nhau ra, chẳng hy vọng gi bà cho qua mà không la mắng. Hẳn là không có chuyện may mắn như thế, bà hỏi chúng : “Chúa ơi có chuyện gì vậy ?'” Bà quyết tìm cho ra nguyên nhân, chỉ khi biết lý do, bà mới hiểu ngọn nguồn dẫn tới ẩu đả.
Thật là khó chịu khi chứng kiến một sự kiện mà không biết ý nghĩa thực sự của nó. Kinh nghiệm cho chúng ta biết có khác biệt giữa trải nghiệm một sự kiện và hiểu biết ý nghĩa của nó, giữa tham gia vào một sự kiện và hiểu được ý nghĩa của nó. Chính Chúa Giêsu đã phân biệt giữa "nhìn và nghe" với "nhận thức và hiểu". Tham gia vào một sự kiện không có gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ hiểu nó. Như T.S. Eliot đã nhận xét;
Chúng ta đã có những trải nghiệm nhưng lại bỏ lỡ ý nghĩa.
Được mở ra để hiểu
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy các môn đệ không thể hiểu được cái chết vừa qua của Thầy. Họ cũng không thể hiểu được điều gì đang xảy ra khi Chúa Giêsu hiện ra với họ. Khi Luca viết Tin Mừng, ông viết để củng cố niềm tin : Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa và viết theo cách riêng của mình. Khi nói đến phục sinh, ông chọn cách nhấn mạnh rằng chỉ có Đấng Phục Sinh mới có thể hiểu được các biến cố của Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Tự mình các môn đệ không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra, họ cần Chúa phục sinh giảng giải.
Thánh Luca chứng minh điều này một cách ấn tượng trong Tin Mừng hôm nay. Hai môn đệ đi Emmaus đã trở lại Giêrusalem hội ngộ với cộng đoàn các môn đệ. Họ “kể về những gì đã xảy ra trên đường và việc họ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài bẻ bánh”. Nhưng câu hỏi vẫn là : liệu các môn đệ đang họp nhau đó có thực sự hiểu được tất cả những gì đã xảy ra không ?
Câu hỏi này sớm được Luca trả lời. Trong khi các môn đệ còn đang nói thì Chúa Giêsu hiện ra giữa họ. Thay vì vui mừng, họ lại hoảng hốt và sợ hãi; thay vì nhận ra Chúa Giêsu, họ nghĩ họ đang nhìn thấy ma. Họ không thể hiểu được những gì đang xảy ra giữa họ, cũng như họ không thể hiểu được những sự kiện gần đây đã xảy ra ở Giê-ru-sa-lem. Thánh Luca lưu ý rằng Chúa phục sinh hiện ra tự nó không phải là một minh chứng thuyết phục sự thật về Ngài. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu tự nó không mở mắt các môn đệ. Nó đã không làm được điều đó trên đường Emmaus và ở đây cũng vậy.
Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ chạm vào để họ nhận ra họ đang chạm vào ai. Ngài viện đến điều họ tưởng : “ma không có xác thịt”. Chỉ khi Ngài nói cho họ biết ý nghĩa khi Ngài ở bên họ và mở tâm trí họ ra để họ hiểu kinh thánh thì họ mới tin vào Ngài. Bằng cách giải thích những gì đã xảy ra, Chúa Kitô phục sinh đã kéo các môn đệ ra khỏi sự bối rối của họ. Các môn đệ không thể tự mình làm điều đó; họ không thể tự mình nhìn thấy; tự họ không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chỉ có Chúa Kitô phục sinh mới có thể đưa các môn đệ từ mầu nhiệm đến mạc khải, từ bối rối đến hiểu biết. Đó là quà Phục sinh của Ngài.
Biến trải nghiệm thành thông điệp
Trong cách hiểu mới này, các môn đệ trở thành nhân chứng - không chỉ là nhân chứng tận mắt những gì đã xảy ra, mà còn là nhân chứng về ý nghĩa của tất cả những gì đã xảy ra. Vì vậy, khi Luca kể về lời rao giảng tiên khởi của Giáo hội sơ khai trong Sách Công vụ Tông đồ - giống như bài giảng của Thánh Phêrô mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ hai - thánh sử cho thấy họ nói về ý nghĩa cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu như thế nào. Luca cho ta thấy Giáo hội sơ khai hiểu biết giáo huấn của Chúa Giêsu phục sinh vững chắc như thế nào. Đó là thẩm quyền độc nhất của Giáo Hội.
Sự hiểu biết về Giáo Hội ngày nay dựa trên kinh nghiệm độc đáo của các môn đệ đầu tiên. Chúng ta luôn mang ơn họ vì sự sáng suốt và lòng dũng cảm của họ. Hạnh phúc thay, họ không giữ kinh nghiệm mới, không cất giữ cái nhìn sâu sắc mới cho riêng mình : cả hai đều được chia sẻ với bất kỳ ai có tai để nghe. Các môn đệ đầu tiên đã biến trải nghiệm mới của họ thành thông điệp Tin Mừng cho mọi người. Mỗi thế hệ phải biến thông điệp của Chúa Giêsu thành thông điệp của riêng mình và truyền lại cho người khác. Đó là một thông điệp nên sinh động nhờ chứng tá của các thế hệ Kitô hữu, những người đã tiếp tục sống nhân danh Chúa Giêsu. Chúng ta giữ cho thông điệp tồn tại chỉ bằng cách cho đi. Bằng cách đó, Tin Mừng không bao giờ chết.
Nguyễn Minh Đức (Nhà thờ Nà Phặc) chuyển ngữ