Tông đồ Phao-lô
Khởi đầu mớiỞ Syria có một ngôi làng nhỏ tên là Deraya nằm trên con đường cổ nối Đa-mát và Giê-ru-sa-lem. Nó bình thường như bao ngôi làng nông thôn khác, không mấy ấn tượng - như thể lịch sử giữ lời cam kết không để ý đến nó. Hầu hết người dân Syria không hiểu tại sao ngôi làng của họ được gọi là Deraya, nhưng người theo đạo Chúa thì biết. Tiếng Ả Rập “Deraya” có nghĩa là "nhìn thấy". Có điều gì đó xảy ra trên đường Giê-ru-sa-lem - Đa-mát đã đặt tên cho ngôi làng này. Theo truyền thống, tại chính con đường này, kẻ bách hại Sa-un đã gặp Chúa Ki-tô.
Nhà nguyện Công giáo nhỏ ở Deraya là đài tưởng niệm cuộc hoán cải quan trọng nhất trong Giáo hội sơ khai, khi mà người ra tay truy lùng các Ki-tô hữu vấp phải Thiên Chúa, Đấng đã bước ra gặp kẻ bách hại mình. Sa-un tin rằng qua sự đàn áp cộng đoàn Kitô, Thiên Chúa đã gọi ông, như ông đã tuyên bố:
“Về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại danh Giê-su người Na-da-rét. Đó là điều tôi đã làm tại Giê-ru-sa-lem. Được các thượng tế uỷ quyền, chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong dân thánh ; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ phiếu tán thành. Nhiều lần tôi đã rảo khắp các hội đường, dùng cực hình cưỡng bức họ phải nói lộng ngôn. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành nước ngoài mà bắt bớ họ.” (Cv 26,9-11)
Bất kể điều gì thực sự đã xảy ra trên đường đến Đa-mát, Phao-lô xác định sự khởi đầu mới của ông từ kinh nghiệm đó. Ông chưa bao giờ tuyên bố rằng sự thay đổi của ông chỉ diễn ra trong một buổi chiều : sự hoán cải đó bắt đầu trên đường Đa-mát và tiếp tục trong suốt đời ông. Ba năm đầu, Phaolô đã trải qua “nhà tập” trong sa mạc Ả Rập. Sau đó, ông đến Đa-mát, nơi ông làm cho người Do Thái bẻ mặt khi minh chứng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Nhà truyền giáo mới toanh thoát chết khi được anh em dòng dây hạ xuống từ bức tường thành trong một chiếc giỏ. Lối thoát bất thường đó là lối thoát đầu tiên trong nhiều lối thoát.
Tông đồ Phao-lô
Chuyện thánh Phaolô được đặt trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Ông trốn đến Giê-ra-sa-lem, cố gắng tham gia cùng các môn đệ, nhưng được chào đón chẳng mặn mà gì. Các môn đệ đều sợ Phao-lô; họ chỉ đơn giản là không thể tin rằng ông thực sự thay đổi. Với thành tích bách hại của Phao-lô, sự nghi ngờ của các môn đệ rõ là quá hợp lý. Phaolô thừa nhận đã ký lệnh tử hình những người theo đạo Chúa ở Giê-ru-sa-lem; bây giờ lại mong được gia nhập vòng trong của họ. Barnabas, tên có nghĩa là "con của khích lệ", phụ trách người mới đến. Ông giới thiệu Phao-lô với các tông đồ, kể cho họ nghe câu chuyện Phao-lô trở lại và rao giảng gần đây.
Chúng ta không biết liệu các tông đồ có ấn tượng gì không, chỉ biết rằng Phao-lô bắt đầu rao giảng trong thành phố. Ông ta làm điều tốt cho Giê-ru-sa-lem giống như ông đã làm cho Đa-mát : gây náo loạn và biến những kẻ nghe mình thành sát thủ. Thế là lại có một phản ứng, một biện pháp an ninh, một lối thoát hiểm khác đưa ông về Tác-xô. Và khi Phaolô đi rồi, Luca nói với chúng ta : các hội thánh trong vùng giờ đây được bình yên. Thuốc nổ được vận chuyển về phía bắc, các hội thánh có thể hít thở dễ dàng trở lại.
Nhưng không lâu. Phao-lô từ chối lẩn trốn, không từ giã sự nghiệp mới của mình. Ông không thể vì ông tin mình đã được Chúa bổ nhiệm làm tông đồ và là nhà truyền giáo. Tuy nhiên, niềm tin vào sự bổ nhiệm thiêng liêng cũng như gánh nặng bắt bớ quá khứ chừng như chưa bao giờ rời bỏ ông hoàn toàn. Công việc tông đồ của Phao-lô không bao giờ dễ dàng - ông thừa nhận rằng ông xuất hiện trước mọi người trong nỗi sợ hãi và run rẩy. Ông luôn mong muốn chứng minh rằng mình cũng tốt như các tông đồ khác, rằng ông rao giảng cùng một thông điệp, rằng ông đã được chọn bởi cùng một Chúa Kitô, rằng ông chịu đau khổ nhiều hơn họ vì Tin Mừng.
Tình yêu của vị tông đồ
Phải vượt qua mọi nghi ngờ về sự chân thực của mình đã khiến Phao-lô trở thành một nhà truyền giáo đầy nghị lực, một người lữ hành không mệt mỏi, một nhà tranh luận gay gắt. Ông không phải là người "vâng, thưa ngài" phục tùng các đề nghị của quyền lực đạo đời trước khi suy nghĩ kỹ. Ông là một ví dụ tuyệt vời về con người chân thực : nhạy cảm, bốc đồng, cố chấp, ủ rũ, chu đáo, đòi hỏi, định hướng và quan tâm. Ý tưởng của ông được tôi luyện qua hiện thực, cuộc đấu tranh của ông rèn luyện đời sống tâm linh ông.
Trên hết bài học lớn lao mà Phao-lô dành cho chúng ta là tình yêu bền vững của ông. Ông là một người luôn khao khát tình bạn và tình cảm của mọi người. Như ông đã viết trong thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô : “Nếu chính tôi gây ưu phiền cho anh em, thì ai là người làm cho tôi vui được, nếu không phải là kẻ ưu phiền vì tôi ? … đối với tất cả anh em, tôi xác tín rằng niềm vui của tôi cũng là niềm vui của tất cả anh em (2:2-3) Nghe như cuộc cãi vã của tình nhân. Nhà thơ Robert Frost có thể đã nói về Phao-lô khi ông viết :
Lẽ ra tôi đã viết trên tấm đá của tôi
ngắn thôi, câu chuyện của riêng mình
nhưng tôi có cả một cuộc cãi vã giữa một người đang yêu với thế giới.
Nguyễn Minh Đức (Nhà thờ Nà Phặc) chuyển ngữ