
Người già đợi Chúa
Ký ứcCậu bé Walter nhấn chuông cửa nhà ông nội. Cậu sốt ruột đợi ông cụ mở cửa. Hôm nay là sinh nhật tám mươi của ông nội, cậu mang đến cho ông món quà cậu cân nhắc lựa chọn. Cuối cùng thì cậu cũng nghe thấy tiếng bước chân quen thuộc tiến tới cửa, mở khóa, cánh cửa dần mở. Cậu ôm ông và trịnh trọng trình bày. Ông nội cậu từ từ mở quà để lộ ra một cuốn album ảnh lớn.
Walter nói : “Cháu nghĩ ông có thể dùng nó để giữ tất cả những bức ảnh cũ mà ông để khắp nhà.”
Ông đáp : "Cảm ơn cháu. Già nó vậy mà. Có gắng sắp xếp thứ tự những kỷ niệm, ông cũng không nhớ bắt đầu từ đâu. Cháu phải đến giúp ông nhé."
Ký ức là cách tất cả chúng ta mang thời gian vào tâm trí, và tất nhiên chúng ta sống càng lâu thì chuyện quá khứ càng nhiều ! Như nhà viết kịch người Pháp Anouilh nhận xét: “Khi bạn bốn mươi, một nửa trong số bạn thuộc về quá khứ - khi bạn bảy mươi, gần như tất cả đều thuộc về quá khứ”.
Khi chúng ta già đi, vọng về quá khứ thì dài mà kỳ vọng tương lai thì ngắn. Không còn nhiều thời gian cho chúng ta và khoảng thời gian đó có thể không còn hấp dẫn nữa. Niềm hy vọng của chúng ta có thể đã nhăn nheo như khuôn mặt. Vì vậy, chúng ta có thể tìm về quá khứ an toàn quen thuộc với những khuôn mặt và địa điểm thân quen. Chúng ta có thể xem album ảnh, những dòng lưu niệm về ở khoảng thời gian đã qua và hài lòng khi nhớ lại ngày xưa tươi đẹp thế nào.
Kỳ vọng
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta gặp hai vị tiên tri già Si-me-on và An-na. Là những người già, họ kết nối với quá khứ và ký ức. Thánh Luca giới thiệu họ như những anawim – là số sót đạo hạnh luôn trung thành với lời hứa xa xưa của Thiên Chúa. Ta hãy nghe lời tiên tri Isaia và thử bắt lấy lời hứa mà Si-me-on và An-na đang mong chờ ứng nghiệm :
Chúa đã giang cánh tay thánh thiện của Người ra trước mắt dân ngoại và khắp cùng cõi đất sẽ thấy ơn cứu độ từ Đức Chúa. Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất. Bấy giờ vinh quang Chúa tỏ hiện và mọi xác phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Si-me-on và An-na mong mỏi thấy những lời hứa đó được thực hiện. Họ là một đôi tiên tri già khác thường vì hoàn toàn quan tâm đến tương lai, vì họ không sống lùi lại mà tiến về phía trước. Có điều gì đó chưa xảy ra đang chi phối cuộc sống của họ. Họ đang sống trong chờ đợi và hy vọng, chờ đợi Đấng sẽ là Niềm An Ủi cho dân tộc họ và là Ánh Sáng cho dân ngoại. Họ là một đôi ngôn sứ già tâm hồn hoàn toàn mở ngỏ : họ khao khát sự hiện diện của Thiên Chúa và chờ đợi trong hy vọng ngày chính mình nhìn thấy lời hứa thành tựu.
Sự chờ đợi của họ không vô ích. Như Luca kể, cha mẹ cùng Hài Nhi Giêsu đến đền thờ. Họ là một gia đình Do Thái tốt lành, tuân giữ Luật buộc phải thánh hiến con trai đầu lòng cho Thiên Chúa. Từ khi chi tộc Lê-vi được thánh hiến cho Chúa, các bậc cha mẹ không còn bị luật đó ràng buộc, nhưng thay vào đó họ phải trả một khoản "chuộc lại" nho nhỏ.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy cuộc gặp gỡ giữa trẻ và già; giữa cha mẹ trẻ và các bậc ông bà đáng kính; giữa hy vọng và thành tựu. Cụ Si-me-on bế con trẻ lên, ôm nó vào lòng và hát bài Nunc Dimittis (Muôn Lạy Chúa) : " Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi …”
Hy vọng của cụ Si-mê-on đã thành, vì cụ nhìn thấy nơi Hài Nhi Giêsu ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa. Và cụ An-na, "cũng vào lúc ấy", một lúc không thể khác được, ca ngợi Chúa về những gì đã xảy ra. Nơi Hài Nhi Giêsu, tất cả những lời hứa cổ xưa được thực hiện.
Thách thức
Khi Chúa Giê-su được đưa tới đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, đền thờ chấp nhận Ngài như một trẻ bé; nhưng khi Ngài trưởng thành thì đền thờ nói "không" với con người cùng với những giá trị mà Ngài đại diện. Hôm nay chúng ta không gặp một em bé dễ thương ai cũng muốn bế bồng, nhưng chúng ta được thấy một con người mà tất cả chúng ta đều có thể chống lại và chúng ta làm được.
Đó là Thánh Thể : chúng ta có thể đón nhận Chúa Giêsu vào lòng cho riêng mình, chúng ta có thể chia sẻ sự sống của Ngài và lại cam kết đi theo Tin Mừng của Ngài. Bất kể chúng ta ở độ tuổi nào, chúng ta đều phải đối mặt với cùng một thách thức : liệu chúng ta có thể đón nhận Chúa vào cuộc sống của mình, nói vâng khi Chúa Giê-su tỏ cho biết Ngài là ai và Ngài muốn chúng ta trở nên thế nào ? Khi chúng ta có thể đồng ý thì chúng ta cũng có thể an bình ra đi.
Nguyễn Minh Đức (Nhà thờ Nà Phặc) chuyển ngữ